SMS Marketing là phương thức truyền thông được nhiều doanh nghiệp ưa dùng và áp dụng triệt để. Vậy SMS Marketing là gì? Dưới đây là tổng hợp tất cả các thắc mắc về SMS Marketing.
1. SMS Marketing là gì?
SMS (Short Message Service) là dịch vụ gửi tin nhắn ngắn. Vậy kết hợp cùng từ “marketing” thì SMS Marketing có nghĩa là các hoạt động tiếp thị bằng cách sử dụng dịch vụ tin nhắn để gửi thông điệp đến khách hàng. Và SMS Marketing là một phần thuộc Mobile Marketing.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông thì tổng số thuê bao điện thoại tại Việt Nam tính đến quý 3/2021 đạt 123 triệu thuê bao. Vì sự bùng nổ của thiết bị di động và tỷ lệ người dùng điện thoại tăng nhanh nên các công ty tận dụng cơ hội này để thực hiện các chiến dịch SMS Marketing.
2. SMS Marketing gồm những hình thức nào?
SMS Marketing có 3 hình thức phổ biến sau:
SMS brandname: là tin nhắn có số thuê bao là tên thương hiệu hoặc tên doanh nghiệp, và khách hàng cũng không cần lưu tên doanh nghiệp trước đó. Việc sử dụng SMS brandname sẽ tạo độ tin cậy và thiện cảm hơn cho khách hàng, từ đó thúc đẩy sự nhận diện thương hiệu và tăng mức độ tương tác.
SMS gateway: là tin nhắn được gửi từ tổng đài, gồm một dãy số ngắn (short codes). Khách hàng nhận được tin nhắn có thể thực hiện một số cú pháp theo quy định để có thể đạt được nhu cầu của mình.Với SMS gateway, doanh nghiệp có thể tổ chức các chương trình ưu đãi, tích điểm đổi quà…
SMS location based: là tin nhắn được gửi dựa theo vị trí của thuê bao trong một thời gian xác định. Để tiếp cận khách hàng có chọn lọc hơn, giảm thiểu spam tin nhắn thì doanh nghiệp sẽ đăng ký sử dụng hình thức này cho tập khách hàng ở trong phạm vi địa lý mà doanh nghiệp mong muốn.
3. Sử dụng SMS Marketing cho mục đích gì?
Dịch vụ SMS Marketing được ưa thích và đón nhận sử dụng bởi nó rất phù hợp với nhiều mục đích như:
- Giới thiệu sản phẩm mới:
Dựa trên lịch sử mua hàng trước đó, doanh nghiệp sẽ gửi tin nhắn giới thiệu sản phẩm mới đến khách hàng. Ngoài ra, còn có thể tư vấn thêm những mặt hàng liên quan mà họ đã từng mua hay tư vấn về những sản phẩm bổ sung với sản phẩm được mua (đây là hình thức bán chéo cross-sell).
- Thông tin về chương trình khuyến mãi, giảm giá:
Một tin nhắn chứa kèm các nội dung hấp dẫn và đường link dẫn, bạn có thể dễ dàng thu hút khách hàng truy cập vào website và tìm hiểu về chương trình khuyến mãi đó. Thậm chí bạn còn có thể gửi mã giảm giá trực tiếp để khuyến khích khách hàng có động lực mua hàng hơn.
- Xác nhận thông tin:
Ngoài các nội dung liên quan đến bán hàng hoặc quảng cáo thương hiệu thì các thông tin về đơn hàng, xác nhận thanh toán, tình trạng vận chuyển… đều thuộc quy trình Marketing. Do đó, việc xác nhận thông tin cũng rất cần thiết với khách hàng.
- Quảng bá sự kiện:
Bên cạnh những chương trình khuyến mãi thì sử dụng dịch vụ SMS Marketing để truyền đithông điệp về sự kiện sắp xảy ra sẽ giúp tiếp cận với lượng lớn khách hàng tiềm năng, từ đó xây dựng hình ảnh thương hiệu tốt hơn và tiết kiệm chi phí.
- Chăm sóc khách hàng:
Tin nhắn chúc mừng sinh nhật, tri ân khách hàng hay chúc mừng vào những ngày lễ là cách chăm sóc khách hàng thường được doanh nghiệp áp dụng để gây ấn tượng với họ.
4. Lợi ích và hạn chế khi sử dụng SMS Marketing
Bất kỳ một hình thức Marketing nào cũng sẽ tồn tại lợi ích và mặt hạn chế, và SMS Marketing cũng không phải là ngoại lệ.
4.1. Lợi ích
- Thông điệp tiếp cận nhanh chóng với khách hàng:
Chỉ cần nhấn nút “Gửi” là bạn đã ngay lập tức truyền thông điệp tiếp thị đến điện thoại của khách hàng. Nếu người nhận hiện tại chưa có nhu cầu, họ vẫn có thể dễ dàng chuyển tiếp SMS quảng cáo cho người thân hoặc bạn bè.
So sánh với Email Marketing: Nếu hộp thư đến trong email của khách được chia thành nhiều mục khác nhau, dẫn đến thư được gửi có thể nằm trong mục inbox, quảng cáo hoặc spam thì điều này sẽ không xảy ra khi dùng SMS Marketing, vì các tin nhắn SMS sẽ được gửi đúng vào mục tin nhắn của khách hàng.
Như vậy, dịch vụSMS Marketing sẽ giúp bạn tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng với số lượng lớn khách hàng.
- Mức độ tương tác cao:
Là thiết bị “must have” của mọi người, việc sử dụng SMS Marketing trên nền tảng điện thoại di động sẽ cực kỳ hiệu quả vì tỷ lệ mở tin nhắn trung bình là 98% (trong khi đó Email Marketing có tỷ lệ mở là 20%).
Hơn nữa, người dùng điện thoại thường có thói quen xem tin nhắn ngay khi nhận thông báo. Nghiên cứu chỉ ra rằng 70% người nhận sẽ nhớ đến nội dung của tin nhắn trong một ngày. Điều này đã giúp SMS trở thành một kênh tiếp thị tiềm năng với tỷ lệ mở, tỷ lệ đọc và tỷ lệ nhớ cao.
- Tính cá nhân hóa
Doanh nghiệp được quyền cá nhân hóa các thông điệp gửi đi. Đây là yếu tố tác động tích cực đến tâm lý người nhận, từ đó giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi khi thực hiện dịch vụ SMS Marketing.
- Tiết kiệm chi phí:
Lời giải về bài toán ngân sách luôn được cân nhắc kỹ lưỡng. So với các hoạt động tiếp thị như SEO hay Marketing Offline thì chi phí để thực hiện SMS Marketing thấp hơn rất nhiều. Mỗi tin chỉ mất khoảng 550 đồng và nó sẽ còn thấp hơn nữa nếu bạn sử dụng các gói dịch vụ gửi số lượng lớn.
- Phù hợp với nhiều loại hình doanh nghiệp:
Không phải hình thức Marketing nào cũng được các doanh nghiệp áp dụng, nhưng SMS Marketing lại là hình thức phù hợp với nhiều doanh nghiệp từ những công ty lớn như ngân hàng, du lịch… tới những doanh nghiệp vừa và nhỏ vì chi phí bỏ ra thấp mà hiệu quả mang lại cao.
4.2. Mặt hạn chế
- Nội dung gửi bị giới hạn ký tự và hình thức không bắt mắt:
Số lượng ký tự trong một tin nhắn bị hạn chế là một nhược điểm khá lớn khi triển khai dịch vụSMS Marketing. Thông thường, một SMS chỉ giới hạn 160 ký tự. Việc truyền đạt thông điệp từ đó cũng gặp khó khăn hơn.
Ngoài ra, tin nhắn điện thoại cũng chỉ sử dụng dạng văn bản (text) nên tính sáng tạo thấp hơn nhiều so với những hình thức Marketing khác.
- Ràng buộc về tính pháp lý:
Khi thực hiện SMS Marketing, doanh nghiệp cần chú ý chấp hành những quy định về gửi tin nhắn quảng cáo theo Điều 13 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP. Dưới đây là một số nguyên tắc gửi tin:
“Không được phép gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo (Do Not Call) hoặc người sử dụng không đồng ý nhận quảng cáo trước đó.
Chỉ được gửi tin nhắn trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, gọi điện thoại quảng cáo từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với Người sử dụng”.
- Khó mà đo lường hiệu quả:
Với SMS Marketing, bạn chỉ có thể dựa vào Google Analytic để biết được số lượt truy cập của người nhận được tin nhắn vào website, nhưng không thể xem được số người đã mở tin nhắn là bao nhiêu. Các số liệu về tỷ lệ mở hay lượt gọi đến hotline thì cũng không thể đo lường được.
5. Mẹo giúp SMS Marketing hiệu quả
5.1. Phân chia nội dung dựa trên nhóm khách hàng
Vì bạn đang sở hữu một danh sách khách hàng đã chủ động cung cấp thông tin để nhận được những thông báo từ bạn, nên bạn hoàn toàn có thể phân bố lượng khách hàng này thành từng nhóm nhu cầu khác nhau theo mức độ từ ít quan tâm đến rất quan tâm về sản phẩm.
Mỗi nhóm khách hàng sẽ có một cách tiếp cận riêng. Ví dụ:
- Với khách hàng vừa đăng ký thì các thông tin về chương trình ưu đãi chưa đủ sức để tác động vì họ chưa biết nhiều về sản phẩm và thương hiệu.
- Nhưng với khách hàng tiềm năng, mức độ quan tâm lớn thì chỉ cần một tin nhắn về chương trình khuyến mãi cũng dẫn đến hành động.
5.2. Định vị thương hiệu và cá nhân hóa tin nhắn
Vì khách hàng sẽ nhận được rất nhiều tin nhắn quảng cáo mỗi ngày nên họ sẽ không nhớ bạn là ai. Do đó nên sử dụng SMS Brandname và nhắc đến tên doanh nghiệp, tên thương hiệu, tên sản phẩm/dịch vụ để khách hàng nhớ đến bạn nhiều hơn, từ đó giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi và doanh số bán hàng.
Ngoài ra, một chiến dịch SMS Marketing sẽ càng hiệu quả hơn nếu bạn tạo ra thông điệp SMS mang đậm tính cá nhân để khách hàng cảm thấy họ được quan tâm và như đang tương tác trực tiếp với doanh nghiệp.
5.3. Bắt đầu tin nhắn với khuyến mãi, quà tặng
Một điều khá chắc chắn là khách hàng sẽ cảm thấy khó chịu khi bị nhắc nhở mua hàng từ một người không quen biết. Do đó sẽ dễ dàng hơn nếu bắt đầu tin nhắn bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá hoặc tặng voucher. Để lại ấn tượng tốt đẹp ban đầu bao giờ cũng là nước đi khôn khéo.
5.4. Tần suất và thời điểm gửi phải phù hợp
Thời điểm gửi tin cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của một chiến dịch SMS Marketing. Bạn phải tuân thủ các quy định về thời gian gửi tin nhắn như đã đề cập ở trên, tuyệt đối không gửi tin vào thời gian nghỉ ngơi buổi trưa hay buổi tối sau 22 giờ.
Ngoài ra, tùy vào mục đích mà bạn nhắm tới hay ngành nghề kinh doanh mà chọn thời điểm gửi phù hợp. Chẳng hạn: Nếu bạn dự định quảng bá sự kiện, thì nên gửi tin nhắn vào buổi tối trước ngày diễn ra sự kiện đó. Hoặc nếu bạn kinh doanh quán cơm văn phòng thì từ 10 đến 10h30 sáng là thời điểm tốt nhất để gửi tin.
Nếu bạn gửi SMS quá nhiều thì khách hàng sẽ cảm thấy bị làm phiền, nhưng nếu gửi quá ít thì họ sẽ lãng quên. Do đó hãy cân đối tần suất gửi tin nhắn, thông thường nên từ 1 – 2 tin/tuần và 4 – 6 tin/tháng.
5.5. Giới hạn về thời gian, số lượng mua hàng giảm giá, khuyến mãi
Cảm giác sợ bỏ lỡ là yếu tố thúc đẩy khách hàng mua sản phẩm của bạn. Do đó, hãy sử dụng cảm giác này để kích thích họ hành động vì nó sẽ giúp rút ngắn được khoảng thời gian do dự trong khi lựa chọn sản phẩm.
Một trong những cách tạo ra cảm giác sợ bỏ lỡ là giới hạn về số lượng mua hàng và giới hạn về thời gian. Kết hợp nhấn mạnh vào các cụm CTA (call to action) trong tin nhắn để tạo cảm giác gấp rút. Ví dụ chỉ khuyến mãi giảm giá cho 50 khách hàng đầu tiên tham gia chương trình, hoặc giảm sâu 100.000 đồng cho các đơn hàng từ 500.000 đồng trong vòng 02 ngày.
Trên đây G-OFFICE đã giúp bạn giải đáp cho câu hỏi “SMS Marketing là gì?”. Hi vọng thông qua bài viết này, bạn sẽ có thể sử dụng SMS Marketing trong chiến tiếp thị online để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Nếu bạn muốn trải nghiệm đầy đủ tính năng của phần mềm quản trị G-OFFICE, xin vui lòng đăng ký thông tin tại websiteG-OFFICE. Rất hân hạnh khi được đồng hành cùng mọi doanh nghiệp.